Lạnh Hà nội

Một ngày đầu đông, sáng đến viện, chiều về nhà miên man với cơn sốt cảm cúm. Trong giấc ngủ trưa chập chờn không biết mình đã mơ những cái gì. Thức dậy bởi tiếng chuông chiều thấy đắng họng, khát nước, đầu đau…bụng đói râm ran. Ngoại thành Hà nội buồn tê tái, gió bấc và vài hạt mưa mau làm nhanh bước chân người trở về gác trọ. Lang thang trên phố phường hay ngồi trong phòng với vài cuốn sách thường trực nỗi nhớ nhà, bạn bè và những kỷ niệm, chúng kéo nhau ùa về theo những câu chữ trong bài ca của Trịnh Công Sơn. Nhất là những lúc này, HP và QN chợt thấy da diết hơn khi căn phòng trống vắng hơn…. Mong một ấm trà mạn và vài người bạn tâm giao để gió bấc luồn qua khe cửa đỡ khiến mình co ro…. “Chỉ một lời nói lưng chừng Mà ta lại đem áo vui mừng phơi giăng khắp phố Phơi giăng trong ngày giông tố Rồi lủi thủi lui về khi hoen ố đường may Sợi chỉ mảnh hao gầy Hà cớ gì đêm ngày cứ chờ mong người ràng buộc?…”

Băn khoăn

Mọi người về nhà sau giờ tan tầm, mình chẳng vướng bận chuyện gia đình nên muốn nán lại mỗi ngày thêm 1 tiếng để xem lại các hồ sơ và nói chuyện với vài người bệnh. Số bệnh nhân quá đông, số bác sĩ lại không đủ, thành ra bác sĩ cứ vội vàng với một núi công việc, có những điều khúc mắc người bệnh muốn hỏi, muốn được trò chuyện, được tư vấn mà chưa được đáp ứng. Muốn làm điều gì đó cho họ thấy yên tâm hơn để tiếp tục điều trị, hay để họ thấy nhẹ nhàng hơn sau nỗi đau mất đi niềm đã vui ấp ủ bao tháng ròng. Đóng cửa phòng ra về, thấy hai vợ chồng người dân tộc thiểu số nhường nhau suất cơm hộp, ngồi ăn ở hành lang bệnh viện mà thấy chạnh lòng, cuộc sống thật éo le và dường như những bất hạnh hay thuộc về những người nghèo. - Tôi chẳng có gì, có ít sữa chua, anh chị cầm lấy để rồi tráng miệng. Người chồng ngập ngừng nhận lấy và lắp bắp: - Em cảm ơn bác sĩ nhiều. Bước về mà thấy lòng nặng trĩu với những băn khoăn. Giá như mình có kiến thức rộng hơn có lẽ sẽ giúp được nhiều điều cho người bệnh hơn. Ai bảo người bác sĩ về nhà là xong việc, có ít nhất một câu hỏi luôn theo ta thậm chí cả trong giấc ngủ. - Làm như thế nào là tốt cho bệnh nhân của mình?

“Đêm đầu tháng chín”

Đêm đầu tháng không trăng chỉ có hoa sữa khẽ khàng đưa hương qua bóng tối đặc dần của phố biển chen vào những cơn gió nhẹ từ vịnh thổi tới ô cửa sổ. Một bản nhạc buồn với đôi dòng tâm trạng của người cũng đủ làm ta thấy não nề cái tâm tưởng vốn hay rung động, vốn mau nước mắt. Có những chuyến đò chung đầu tiên nhưng cũng có thể là cuối cùng, mấy ai như ta – nhớ nhau mà chẳng đến tìm nhau dù biết rằng thời gian hữu hạn vốn chẳng đợi chờ. Đến một ngày nếu ta trở lại chắc người chỉ còn in dấu, tình chỉ còn hư không… Có những lúc ta e sợ lòng mình, lòng người, ta băn khoăn cân đo chẳng dám làm điều mà nơi tim thúc giục, ta sợ đủ thứ hữu hình, sợ cái vô hình để rồi tuột mất thứ ta cần, ta nhớ, ta mong, để mỗi khi đêm về ta lại nhớ người, thu về ta nhớ người… Sao ta thấy buồn khi người ấy nói rằng họ đã yêu ai?

Tổng kết 1 tháng đi làm

Một tháng trôi qua cũng nhanh thật đấy, nhất là khi bị cuốn vào vòng xoáy của công việc, cứ sáng sáng chiều chiều đến viện, chạy đua với khoa phòng, người bệnh. Lịch trực 3 buổi/tuần cũng khá dày nên tối về nhà là chỉ muốn lăn ra ngủ, đừng nói là tự học. Thế mới thấy rằng thời sinh viên mình vẫn còn để thời gian chết nhiều quá. Kiến thức sách vở với lâm sàng có những chỗ khác nhau, nhưng ko có lý thuyết mình chỉ như người thợ, như kẻ bắt chước khó khá đc. Vậy nên tự bảo mình hãy luôn cố gắng dành thời gian đọc tài liệu nhiều nhất có thể, cập nhật cái mới. Vốn ngoại ngữ và kỹ năng tin học lúc này thấy rất cần thiết và hữu ích. Hãy luôn đặt câu hỏi tại sao và đi tìm cách trả lời chứ đừng bao giờ rập khuôn vì mỗi người bệnh là một thực thể khác nhau. Hãy lắng nghe người bệnh nhiều hơn nữa và đừng bỏ qua những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ. Đi làm, tiếp xúc với nhiều người, nhiều tình huống đời thực lại thấy kỹ năng mềm, giao tiếp, ứng xử với đồng nghiệp, người bệnh rất quan trọng, nếu mình làm tốt điều này mọi chuyện đều rất thuận lợi. Đối nhân xử thế luôn là điều cần được ưu tiên dù bản thân người đó có giỏi như thế nào. Đừng vội vì đồng tiền mà làm buồn lòng nhau, hãy hết lòng hết sức với người bệnh, mình sẽ đc đền đáp xứng đáng, bệnh nhân ko bao giờ để cho người mà họ hàm ơn phải chịu thiệt cả về vật chất lẫn tinh thần. Có những hạnh phúc tưởng chừng như đơn giản nhưng rất lớn lao! Khi nghe đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời, khi thấy hàng nước mắt hạnh phúc của người mẹ sau sinh, khi thấy nụ cười của gia đình đón đứa bé khỏe mạnh....nhưng cũng thấy rằng trách nhiệm của người bác sĩ sẽ nặng nề hơn. Mong rằng đừng bao giờ để xảy ra sai sót, vì bản thân người bệnh và gia đình họ khi đã tin tưởng nơi điều trị cũng nghĩa là họ tin tưởng giao phó 2 tính mạng người thân của mình cho bác sĩ, vậy thì người bác sĩ đó cần phải làm những gì tốt nhất cho họ. Một câu nói dễ nhưng làm được thì thật không dễ!